Để đáp ứng các thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh hóa sản xuất, thích ứng các tiêu chuẩn xanh cũng như các quy định về xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về xanh hóa chuỗi sản xuất và cơ chế điều chỉnh biên giới carbon.
Những yêu cầu định tính về xanh hóa đang được định lượng cụ thể hóa qua các chính sách với nhà sản xuất, người tiêu dùng, nhất là thuế, chính sách thuế xử lý chất thải, khí thải… Tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) đang tập trung đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Thỏa thuận Xanh châu Âu, với mục tiêu giảm 55% lượng phát thải ròng vào năm 2030 so với năm 1990 và đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Theo Bộ Công Thương, Chiến lược Thỏa thuận Xanh châu Âu là trụ cột chính sách quan trọng và định hướng bao trùm, tạo cơ sở để EU điều chỉnh, đề xuất hàng loạt các chiến lược, kế hoạch hành động và luật hóa, chuẩn hóa các gói quy định, chỉ thị mới trên nhiều lĩnh vực như: Khí hậu, năng lượng, thương mại, nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế tuần hoàn…
Quy định cụ thể liên quan đến ngành dệt may, đang chú ý chiến lược ngành dệt may tuần hoàn và bền vững tầm nhìn đến năm 2030; trong đó, đáng chú ý là Quy định về thiết kế sinh thái đối với sản phẩm bền vững; chỉ thị về rác thải; chương trình hướng dẫn trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.
Trước yêu cầu, thách thức mới, Tổng công ty May 10 đã triển khai việc xanh hóa sản xuất trong khoảng 3 năm qua, bằng những việc làm cụ thể như đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng ít điện năng, hay như đầu tư nhiều vào hệ thống năng lượng mặt trời, điện áp mái, liên kết chuỗi sản xuất tại Việt Nam và nước ngoài để sử dụng nhiều nhất các sản phẩm từ tái chế, từ thiên nhiên để đảm bảo tỷ trọng xuất xứ nguyên liệu từ sợi trong cấu thành của sản phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng.
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, việc xanh hóa trong sản xuất đã không còn là việc muốn hay không mà đến nay đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Việc dần thích ứng của doanh nghiệp Việt sẽ giúp xuất khẩu hàng hóa bền vững.
Ngay cả trong quá trình sản xuất, những nhiên liệu đầu vào đốt bằng than cũng đang được chuyển đổi sang nhiên liệu bằng điện sinh khối để đảm bảo khí thải carbon được ít nhất. Dự kiến, trong năm 2024, nếu toàn bộ dự án của May 10 đi vào hoạt động sẽ giúp giảm phát thải được hơn 20 nghìn tấn carbon ra môi trường.
Hiện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) áp dụng các giải pháp giảm thiểu carbon khi đo lường dấu chân carbon trong vòng đời sản phẩm; đồng thời xây dựng chiến lược sản xuất xanh, tuần hoàn. Đến nay, về môi trường, lượng điện sử dụng trong các thành viên tập đoàn giảm 2% so với năm 2022 trên một đơn vị sản phẩm.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hành lang pháp lý trong nước còn hạn chế, chưa có chính sách, quy định cụ thể cho ngành dệt may về kinh tế tuần hoàn. Các quy định về kiểm kê khí nhà kính, thuế carbon… vẫn chậm hơn lộ trình áp dụng quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới ngày càng ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp xanh hoặc yêu cầu các nhà cung cấp áp dụng nhiều biện pháp thực hành xanh. Đây được xem là biện pháp bảo vệ danh tiếng và triết lý kinh doanh của họ, đồng thời đáp ứng những quy định được luật hóa ngày càng khắt khe.
Tuy nhiên, đang có một thực tế là việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh trong ngành dệt may đòi hỏi chi phí chuyển đổi rất lớn, thời gian chuyển đổi rất dài. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu của Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, việc chuyển đổi hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm kê khí nhà kính đòi hỏi cần nhanh hơn, tốn ít chi phí hơn.
"Chính vì vậy, chuyển đổi xanh là con đường tất yếu, là cuộc chơi chúng ta không có quyền lựa chọn, nhưng hiện nay, hơn 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành đang thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh", bà Mai nhấn mạnh.
Để thích ứng với những khó khăn, trước mắt, các đơn vị trong ngành dệt may tiếp tục linh hoạt trong điều hành, tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường, xác định mặt hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ... nhưng giá trị gia tăng cao để sản xuất thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh.
Các doanh nghiệp dệt may cũng thường xuyên theo dõi và cập nhật, dự báo những thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng chủ động thích ứng với những tiêu chuẩn về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, ngoài tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật về môi trường, những chính sách phúc lợi cho người lao động, các đơn vị dệt may tiếp tục hiện đại hóa mô hình quản trị, minh bạch thông tin truy xuất chuỗi cung ứng; từng bước xây dựng, triển khai chương trình đào tạo, quy hoạch nguồn nhân lực để phục vụ quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đây cũng chính là bước đi cụ thể của Việt Nam để đạt được cam kết “zero carbon” vào năm 2050.
Hằng Trần (TTXVN)
Nguồn: baotintuc.vn