Biên độ lợi nhuận thấp
Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food) cho biết, do ảnh hưởng xung đột ở Trung Đông, các khách hàng của GC Food tại Trung Đông đang tạm dừng mua hàng do khó khăn trong vận chuyển, thanh toán, tiêu dùng giảm. Tuy vậy, GC Food vẫn giữ quan hệ với các khách hàng này để chờ thị trường hồi phục.
Tại các thị trường xuất khẩu khác của GC Food là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN… ông Thứ cho biết, các khách hàng cũng gặp khó khăn do đồng nội tệ giảm giá so với USD. Do đó, khách hàng đề nghị GC Food giảm giá để bù đắp trượt giá. Để giữ thị trường, doanh nghiệp (DN) này đã phải giảm giá cho một số hợp đồng, trong khi chi phí đầu vào tăng, khiến biên độ lợi nhuận sụt giảm, ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh.
Ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, các DN dệt may tuy có nhiều đơn hàng hơn nhưng cạnh tranh cũng rất gay gắt khi giá không tăng, trong khi chi phí logistics tăng. DN phải chia sẻ chi phí vận chuyển hàng hóa với đối tác mua hàng dẫn đến lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong quý I, xuất khẩu thủy sản đạt gần 2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023, giúp cho các nhà sản xuất trong nước an tâm hơn, duy trì tốc độ phát triển. Tuy nhiên, phải chờ thêm một quý nữa mới có thể đánh giá là xuất khẩu phục hồi nhiều hay ít.
Với tình hình hiện nay, việc tăng chi phí trong hoạt động sản xuất cho xuất khẩu ít nhiều bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thủy sản, giá nguyên liệu đầu vào, vật tư vật liệu, bao bì đều tăng do ảnh hướng giá dầu và thị trường tài chính.
Ông Hòe nhận định, nhìn chung, thủy sản là hàng thực phẩm thiết yếu nên vẫn còn có cơ hội tăng trưởng dù hiện nay các thị trường đều co lại do người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu.
Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, trong quý I vừa qua, sự phục hồi của thị trường thế giới và những nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng DN và ngành ngân hàng đã giúp cho xuất khẩu tăng trên tất cả mặt hàng chủ lực, dù vậy, nhìn chung tình hình xuất khẩu vẫn khó khăn.
Hiện nay, các DN xuất khẩu còn nhiều cơ hội để khai thác các thị trường bằng việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA). Bên cạnh đó, tính cạnh tranh của DN Việt Nam cũng không kém các nền kinh tế có điều kiện tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Bangladesh… Các thị trường này đang gia tăng sức cạnh tranh với những mặt hàng xuất khẩu tương đồng. Nếu chúng ta không có cách thức để nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ phải chịu áp lực rất lớn.
Nhiều giải pháp về vốn cho doanh nghiệp
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN ) - bà Hà Thu Giang cho biết, những DN xuất khẩu nhỏ và vừa (SME) luôn được bình đẳng trong tiếp cận vốn tín dụng như các loại hình DN khác. NHNN đã ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách về vay vốn để hướng dẫn các DN SME.
Theo bà Giang, vay vốn là sự thỏa thuận linh hoạt giữa ngân hàng và khách hàng, vậy nên tùy theo quy định, các ngân hàng đã xây dựng nhiều chương trình tín dụng khác nhau dành riêng cho DN SME, đặc biệt là vay không có tài sản bảo đảm (TSBĐ). Bên cạnh những chính sách của ngành ngân hàng, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 34 quy định về quỹ hoạt động tín dụng ở địa phương, dành cho những DN gặp khó khăn khi vay vốn theo loại hình này. Như vậy, những DN có khả năng tài chính nhưng không có tài sản bảo đảm sẽ được hỗ trợ tối đa để tiếp cận và vay vốn.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, ngành ngân hàng luôn đảm bảo đáp ứng đủ, kịp thời nguồn vốn với lãi suất cho vay ổn định ở mức thấp và tỷ giá không có những biến động lớn, gây sức ép bất lợi cho DN và cho điều hành các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Đối với các lĩnh vực xuất nhập khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, lâm sản, Phó Thống đốc cho biết, hiện nay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi 1-2% lãi suất của hệ thống ngân hàng thương mại đã giải ngân được khoảng 18.000 tỷ đồng, rất được DN các ngành đồ gỗ lâm sản và thủy sản hoan nghênh. Gói tín dụng này sẽ tiếp tục được NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường giải ngân. “Nếu giải ngân hết hạn mức 30.000 tỷ đồng thì có thể xem xét mở thêm các nguồn vốn ưu đãi cho vay khác để tiếp tục hỗ trợ cho DN” - ông Tú nói.
Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi lĩnh vực lâm sản, thủy sản, lúa gạo, Phó Thống đốc NHNN cho biết, hiện NHNN đang gấp rút hoàn thiện văn bản pháp lý để kéo dài Thông tư 02/2023 đến hết năm 2024 thay vì kết thúc vào cuối tháng 6 tới. Từ đó, tạo cơ hội cho các ngân hàng thương mại tiếp tục hỗ trợ giãn thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và tăng cường cho vay mới đối với khách hàng. Trong đó, bao gồm các DN xuất nhập khẩu.
Nguồn: baomoi.com