Sau thành công từ chuỗi sự kiện Sourcing năm 2023, Tập đoàn Falabella - hãng bán lẻ lớn nhất tại khu vực Mỹ Latinh với hệ thống 577 cửa hàng và trung tâm thương mại hoạt động tại Chile, Argentina, Brasil. Colombia, Mexico, Peru, Uruguay tiếp tục bày tỏ kỳ vọng lớn vào chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế năm 2024”.
Đại diện thu mua của Tập đoàn cho biết, năm 2023, Tập đoàn này đã cử đoàn thu mua tham dự Viet Nam International Sourcing và ngay lập tức tìm kiếm được đối tác cung ứng tại Việt Nam trong lĩnh vực quần áo và dụng cụ thể thao. Qua đó đưa sản phẩm Made in Viet Nam tiếp cận trực tiếp với 35 triệu khách hàng thường xuyên trong hệ thống cửa hàng của hãng tại thị trường này.
Đánh giá về chương trình, vị đại diện này cũng cho biết thêm, một trong những nét nổi bật của chuỗi sự kiện chính là sự năng động từ các phiên giao thương kết nối giữa nhà mua hàng và các doanh nghiệp cung ứng nội địa. Năm nay, đơn vị đặt kỳ vọng mở rộng thu mua sang các lĩnh vực từ dệt may, da giày, đồ thể thao đến đồ điện gia dụng, đồ dùng gia đình.
Tại thị trường Venezuela, trong số các doanh nghiệp quan tâm tham dự Viet Nam International Sourcing, Tập đoàn Latiquim C.A nổi lên là doanh nghiệp đầu mối uy tín và đầy tiềm năng cho các nhà cung ứng về nguyên liệu hóa chất trong nước. Đây là “ông lớn” có thị phần áp đảo tại thị trường nội địa trong lĩnh vực sản xuất và phân phối sản phẩm hóa chất phục vụ cho công nghiệp thực phẩm và đồ uống. Bà Maria Horta - Đại diện Latiquim C.A cho biết, hãng mong muốn tìm kiếm đối tác bền vững tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất axit sunfonic và axit photphoric.
Ngoài ra, tập đoàn Walmart của Mỹ với hàng loạt các siêu thị tại khu vực Mỹ Latinh cho biết, tại Viet Nam International Sourcing 2024, hãng sẽ tập trung thu mua nhóm hàng dệt may, da giày, hàng nội ngoại thất, hàng gia dụng, đồ chơi đến các mặt hàng thực phẩm đông lạnh… để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong khu vực.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường Mỹ Latinh, Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, với dân số hơn 670 triệu người, GDP khoảng 6.500 tỷ USD, và nhu cầu nhập khẩu lên tới gần 1.500 tỷ USD, Mỹ Latinh là thị trường triển vọng cho xuất khẩu của Việt Nam.
Trong những năm qua, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh không ngừng được phát triển và mở rộng. Chỉ trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp rưỡi, từ mức 14,2 tỷ USD của năm 2018 lên mức 20,6 tỷ USD năm 2023. Đáng chú ý, bên cạnh các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu tại khu vực như Brazil, Mexico, Argentina, Chile, nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh. Theo đó, các thị trường này có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây.
“Việt Nam và Mỹ Latinh có cơ cấu nhóm hàng xuất nhập khẩu mang tính bổ trợ cho nhau. Mỹ Latinh không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản…, mà còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam với các sản phẩm thế mạnh như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi… Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu vào thị trường Mỹ Latinh phần lớn không quá khắt khe, phù hợp với nhiều chủng loại hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam”, Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ nhìn nhận.
Cùng với các hãng bán lẻ lớn tại khu vực Mỹ Latinh, nhiều hãng phân phối từ khắp các châu lục đặt kỳ vọng, với số lượng doanh nghiệp tham gia và quy mô tăng gần gấp đôi so với lần tổ chức đầu tiên, chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024" sắp tới sẽ tìm kiếm thêm được nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam để đưa vào hệ thống và xuất khẩu.
Nguồn: congthuong.vn