AW-16498560525

CÔNG TY CỔ PHẦN GA CUỐI

CÔNG TY CỔ PHẦN GA CUỐI

CÔNG TY CỔ PHẦN GA CUỐI

CÔNG TY CỔ PHẦN GA CUỐI

CÔNG TY CỔ PHẦN GA CUỐI
CÔNG TY CỔ PHẦN GA CUỐI
CÔNG TY CỔ PHẦN GA CUỐI
Tiếng Việt Tiếng Anh
Hotline: 0983 480 207
Trang chủ Tin tức Chủ tịch Vitas: Cần xây dựng chuỗi liên kết nguồn cung để dệt may phát huy lợi thế trong RCEP

Chủ tịch Vitas: Cần xây dựng chuỗi liên kết nguồn cung để dệt may phát huy lợi thế trong RCEP

Ngày 12/12 tới đây, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) sẽ tổ chức Đại hội lần thứ VI (2020-2025) và Tổng kết năm 2020. Đại hội nhằm tổng kết, đánh giá các hoạt động của ngành dệt may và của Vitas trong năm 2020 nói riêng và cả giai đoạn 2015-2020; chỉ ra những thuận lợi, thách thức lớn và các đối sách ứng phó để đưa ngành dệt may phát triển ổn định, bền vững.

Ngay trước thềm Đại hội, Tạp chí Công Thương đã có buổi trao đổi trực tiếp với ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas để làm rõ hơn những kết quả nổi bật của ngành dệt may và của Vitas trong năm 2020 cũng như giai đoạn 2015-2020.

Phóng viên: Thưa ông, Hiệp hội Dệt may Việt Nam được đánh giá là một trong những tổ chức hoạt động hiệu quả nhất trong tổng số các hiệp hội, ngành hàng tại Việt Nam. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm, bài học trong quá trình hoạt động của Hiệp hội?

Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang: Hiệp hội Dệt may Việt Nam được thành lập năm 1999. Trên chặng đường 20 năm vừa qua, Vitas cùng các doanh nghiệp thành viên phải trải qua những cung bậc khác nhau.

Giai đoạn năm 1999, ngành dệt may Việt Nam đứng trước những thách thức cực lớn. Bởi, khi đó, quy mô ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam còn nhỏ và chúng ta bắt đầu tiếp cận đến những thị trường lớn, khó tính như châu Âu, Nhật Bản…

Giai đoạn 2, khi Việt Nam bắt đầu gia nhập WTO, đây là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Ngành có bước phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, mở ra một thị trường rộng lớn, toàn diện.

Đi cùng sự lớn mạnh của ngành dệt may, trong 20 năm qua, và nhiệm kỳ V (2016-2020), Vitas luôn đồng hành, dõi theo những bước phát triển của ngành, góp phần giúp ngành dệt may đạt được nhiều kết quả ấn tượng:

Thứ nhất, chúng ta là một cộng đồng doanh nghiệp phát triển một ngành công nghiệp. Đây là ngành công nghiệp giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho người lao động.

Thứ hai, ngành dệt may đã giúp giải quyết vấn đề chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, đầu tư về vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Các mô hình nhà máy may có quy mô từ 500 lao động trở lên là mô hình nhỏ, đầu tư nhanh, vốn đầu tư ở mức vừa phải giúp giải quyết hàng trăm công ăn việc làm, đào tạo tay nghề cho người lao động, giải quyết việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn.

Thứ ba, ngành dệt may Việt Nam là ngành có sức ảnh hưởng cực lớn đối với một nền kinh tế chuyển dịch cơ cấu công nghiệp về địa phương. Nhờ sự chuyển dịch này, người lao động đã xây dựng được mô hình quản lý tại địa phương, tạo ra được cơ chế hoạt động và dịch vụ cho vùng nông thôn, đồng thời, tạo được sự ổn định về an ninh trật tự.

Thứ tư, ngành dệt may là ngành đóng góp tương đối lớn vào thặng dư thương mại của cả nước.

Thứ năm, dệt may là ngành tiếp cận trực tiếp, đón đầu những cơ hội từ các Hiệp định thương mại.

Tuy nhiên, để đạt được những thành công đó, Vitas cũng như các doanh nghiệp dệt may phải luôn luôn thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Rất nhiều những bài học, kinh nghiệm đã được đúc kết trong giai đoạn vừa qua, cụ thể:

Một là, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp. Họ đã tìm các giải pháp để vượt lên chính mình và mở rộng được thị trường, đặc biệt là trong nhiệm kỳ V (2016-2020) và năm cuối 2020 khi phải hứng chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Hai là, bài học về những giải pháp tiếp cận thị trường khi có những biến cố, điển hình như đại dịch Covid-19. Đó là việc chuyển đổi hướng sản xuất, nắm bắt nhu cầu của thị trường. Khi đại dịch xảy ra, hàng loạt những nhà máy chuyên sản xuất veston, sơ mi bị ảnh hưởng, họ đã chuyển sang sản xuất dòng sản phẩm bảo hộ lao động, đồ mặc trong nhà, đồ thể thao, đặc biệt là sản xuất khẩu trang vải, khẩu trang y tế để phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việc này ngay lập tức gây một tiếng vang lớn trên thị trường dệt may trong nước và quốc tế.

Ba là, bài học linh hoạt trong tiếp cận các thị trường và sự quyết đoán của các doanh nghiệp khi mạnh dạn chuyển đổi sản xuất.

Bốn là, bài học về sự thích ứng. Chúng ta phải thích ứng được với sự thay đổi của thị trường để tiếp cận được với phần cung thiếu hụt.

Năm là, bài học về sự thống nhất, đoàn kết và sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp.

Những yếu tố trên chính là “lực” để thu hút cộng đồng doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia và trở thành thành viên của Hiệp hội. Họ tin rằng, với vai trò của Hiệp hội, Hiệp hội luôn có những chia sẻ, định hướng thị trường, đề xuất cơ chế chính sách góp phần đưa ngành dệt may phát triển bền vững, vượt qua khó khăn, để rồi 2020, mặc dù chịu tác động tiêu cực từ đại dịch nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may vẫn đạt được con số ấn tượng, khả quan, ước đạt 35,27 tỷ USD, giảm 9,29% so với năm 2019.

Kết quả này là nỗ lực đáng ghi nhận của toàn ngành, các doanh nghiệp dệt may đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động.

Phóng viên: Vâng, như ông chia sẻ, giai đoạn 2015-2020, Hiệp hội đã có rất nhiều những hoạt động thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên, vậy theo ông, đâu là những hoạt động nổi bật của Hiệp hội, nhất là trong năm 2020?

Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang:

Đầu tiên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam luôn luôn cập nhật, xử lý, phân tích và truyền tải thông tin về tình hình diễn biến của thị trường dệt may, diễn biến của dịch bệnh Covid-19, và đặc biệt, đưa ra định hướng thị trường tương đối chính xác, để doanh nghiệp chủ động, linh hoạt các giải pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, trong nhiệm kỳ V (2016-2020) và năm 2020, Vitas luôn luôn là một tổ chức xây dựng, kết nối và chia sẻ những bài học kinh nghiệm quản trị cho các hội viên. Vitas đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hình thành chuỗi cung ứng; tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại... để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ ba, tầm nhìn khoa học công nghệ trong 4.0. Vitas luôn xây dựng mối quan hệ với các tổ chức thế giới, đặc biệt là chương trình phát triển bền vững của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. Vitas thường xuyên phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức các hội thảo chuyên đề về công nghiệp dệt may, để các doanh nghiệp trong nước có cơ hội trao đổi, học hỏi những mô hình dệt may trên toàn cầu.

Thứ tư, Vitas đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước để phản ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương…

Hiện nay, Vitas vẫn còn đang  kiến nghị với Chính phủ, thực hiện các giải pháp tháo gỡ những nút thắt về cơ chế, chính sách để tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp dệt may phát triển trong bổi cảnh hội nhập.

Phóng viên: Thưa ông, 2020 là năm đặc biệt, khi Việt Nam gia nhập hàng loạt các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP và gần đây nhất là RCEP, vậy, trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, dệt may Việt Nam sẽ đón nhận những cơ hội và thách thức gì? Ông có khuyến cáo gì đến các doanh nghiệp?

Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang: Một câu hỏi rất thú vị.

Về cơ hội. Các hiệp định là một cơ hội rất lớn đối với ngành dệt may. Các FTA mang đến một thị trường mở, vô cùng lớn, mang tính toàn cầu.

Gần đây nhất, Chính phủ đã ký Hiệp định RCEP của 10 nước ASEAN và 5 nước lớn với hơn 2 tỷ dân. Trong đó tập trung vào thị trường Trung Quốc trên 1 tỷ dân. Đây là thị trường đầy tham vọng của ngành dệt may cho mục tiêu năm 2025 đến 2030.

Năm 2020, dự kiến dệt may Việt Nam sẽ xuất khẩu trên 3 tỷ USD sang Trung Quốc. Trong khi đó, đây là thị trường nhập khẩu dệt may số một của Việt Nam

Do vậy, hiệp định RCEP sẽ là nền tảng để dệt may Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường 1 tỷ dân này và thị trường 2,2 tỷ dân trong khối RCEP.  

Tuy nhiên, để chinh phục thị trường 2,2 tỷ dân, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đối mặt với 3 thách thức hiện hữu trước mắt.

Một, vấn đề về nguồn cung, nếu không chủ động và không xây dựng được một chuỗi liên kết về nguồn cung trong hệ thống của RCEP thì đây là một thách thức kéo dài và chúng ta sẽ không lấy được lợi ích từ hiệp định.

Hai, thách thức về khoa học công nghệ.

Ba, thách thức liên quan đến giải pháp đầu tư, chuẩn mực đầu tư như đã nói ở trên. Nếu các doanh nghiệp không chú trọng đầu tư để đạt chuẩn mực về môi trường, về nguồn nước, xử lý chất thải… thì đây là thách thức cực lớn khi Việt Nam gia nhập các FTA.

Trước những thách thức này, Vitas đưa ra 5 khuyến nghị đến cộng đồng doanh nghiệp:

Thứ nhất, chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Đây là điều kiện cần và đủ đối với cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải xây dựng một nguồn lực mạnh, vững về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, ngoại ngữ… Đặc biệt, cần trú trọng phát triển nguồn lực của ngành công nghiệp thiết kế thời trang. Đây là nguồn lực sống còn của nhà máy.

Thứ hai, phải xây dựng một nền tảng công nghệ, đặc biệt là công nghệ quản trị, công nghệ phần mềm thiết kế 3D. Phải chủ động được việc phát triển thiết kế, làm hàng FOB.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần trú trọng đến các giải pháp về đầu tư, đầu tư tới, đầu tư đạt chuẩn mực của các nhãn hàng. Thực hiện chương trình xanh hóa của ngành công nghiệp dệt may, đầu tư về năng lượng tái tạo, môi trường và đặc biệt là đầu tư vào năng lượng mặt trời áp mái để tiết kiệm nguồn lực và đạt được các tiêu chuẩn.

Thứ tư, cộng đồng doanh nghiệp phải xây dựng được một chuỗi liên kết về nguồn cung. Việc chủ động liên kết chuỗi sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước giải quyết được nhu cầu về nguồn cung, tránh bị phụ thuộc từ nguồn cung nhập khẩu.

Thứ năm, phải xây dựng một mô hình quản trị năng động, sáng tạo, bắt kịp xu thế phát triển công nghiệp trong các ngành công nghiệp.

Hiệp hội đang phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế, các trường đại học, cao đẳng liên quan đến ngành thời trang để thành lập Chi hội thiết kế thời trang Việt Nam nhằm tạo dựng một nền công nghiệp dệt may Việt Nam phát triển ổn định, bền vững, phải bán được hàng ODM (hàng do doanh nghiệp tự sản xuất, từ thiết kế mẫu, thu mua nguyên liệu, cắt may, hoàn thiện, đóng, gửi hàng) từ thương hiệu của mình ra thị trường thế giới.

5 khuyến nghị vừa nêu tiếp tục là mục tiêu của Hiệp hội trong giai đoạn VI (2020-2025), đưa ngành dệt may Việt Nam đi sâu vào thế giới và lấy được lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, tạo nên một nền tảng cho thị trường nội địa, không chỉ thống lĩnh được sân nhà mà sản phẩm dệt may Việt Nam phải từng bước thâm nhập, chinh phục được người tiêu dùng thế giới.

Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn ông!

Bài viết khác

Gọi điện Gọi điện SMS SMS Chỉ đường Chỉ đường
Facebook Facebook
Anh Hào Phone: 0983 480 207 Email: anhhao@gacuoi.com Skype Zalo Viber
Facebook